Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để một số tác nhân gây bệnh và truyền bệnh phát triển bệnh như virus, nấm, ký sinh trùng, côn trùng…, trong đó có kiến ba khoang gây bệnh viêm da tiếp xúc.

Kiến ba khoang là một loại công trùng vùng nhiệt đới, nóng ẩm, thân mình thon, dài 1,0-1,2cm, nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến. Ở Việt Nam, tùy theo vùng miền người ta gọi với nhiều tên khác nhau như kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…

Kiến ba khoang sinh sản quanh năm, nhưng chủ yếu nhiều vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm. Chúng thường hoạt động vào ban đêm, nhưng cũng có thể gặp ban ngày.

Kiến ba khoang có một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Thường  nhìn thấy chúng bò nhanh và giấu cánh tương tự như kiến, tuy nhiên chúng có thể bay được. Trong suốt mùa mưa, bão, lũ lụt các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn, thì vào ban đêm, kiến ba khoang cùng một số côn trùng khác theo ánh đèn bay vào nhà. Ta có thể gặp chúng ở quanh bóng đèn trong các phòng làm việc, buồng ngủ, nhất là ở các cơ quan, nhà ở cạnh đồng ruộng, hồ, rác…

Hình ảnh Kiến ba khoang

Trong cơ thể kiến ba khoang có chất Pederine là chất có độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, nó không gây tử vong vì lượng chất độc nhỏ và chỉ tiếp xúc ở ngoài da, nhưng có thể gây cháy, bỏng da giống như chất phospho. Những người làm việc dưới ánh đèn, nếu bị chúng rơi vào người vô tình giơ tay đập, quệt, chà sát côn trùng và chất Pederin có trong kiến ba khoang dính vào da gây bỏng. Có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quệt lên da và tạo thành vết thương. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, hoặc bám vào khăn mặt, quần áo, người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước…

Biểu hiện của bệnh Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là sau khi tiếp xúc với côn trùng bệnh nhân thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ, sau 6-12 giờ xuất hiện các đám vết màu đỏ, hơi sưng nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm. Sau 1-3 ngày thì xuất hiện các mụn nước lấm tấm trên da đỏ, sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ. Lúc này cảm giác đau tăng lên, có thể kèm theo cảm giác sốt nhẹ, mệt mỏi khó chịu, nổi hạch, đau ở vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt 5-7 ngày sau mới hết, ở bẹn, nách có thể nổi hạch sưng đau, đi lại khó khăn.

Tổn thương có thể lây từ vị trí này sang chỗ khác qua tiếp xúc, đặc biệt nếu tổn thương ở cạnh nếp gấp như bẹn, khuỷu tay, khoeo chân, nách, cổ… sẽ tạo ra tổn thương đối xứng qua nếp gấp.

Các phỏng nước, phỏng mủ tiến triển sau 4-5 ngày thì đóng vẩy khô dần, khi rụng vẩy để lại vết sẫm màu da. Có trường hợp bệnh nhân chỉ nổi một vết đỏ lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa và tự lành sau 3-5 ngày không thành phỏng nước, phỏng mủ. Trong mùa mưa, một bệnh nhân có thể bị đi bị lại nhiều lần.

Viêm da tiếp xúc do kiến khoang cần phân biệt với bệnh Zona và một số bệnh da do virus khác, vì vậy khi bị bệnh cần được khám bác sỹ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải dùng kháng sinh và có thể để lại sẹo.

Tổn thương phỏng nước, phỏng mủ do độc chất của kiến ba khoang

Tổn thương đối xứng do tiếp xúc qua nếp gấp khuỷu tay.

Để phòng bệnh, vào buổi tối mọi người nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không được dùng tay không để đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng./.

Bs CK1 Đoàn Ngọc Thanh

(Lượt xem 8, hôm nay 1)