Phòng Điều dưỡng
Trưởng phòng Điều dưỡng: Hà Ngọc Hạnh
Bằng cấp: Cử nhân Điều dưỡng
Phó trưởng phòng Điều dưỡng: Đinh Văn Nở
Bằng cấp: Đại học Điều dưỡng
1.Vị trí, chức năng:
Phòng Điều dưỡng là phòng nghiệp vụ chịu trách nhiệm trước Giám đốc về toàn bộ công tác Điều dưỡng của Trung tâm; Tham mưu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát nhiễm khuẩn; khử khuẩn, tiệt khuẩn; xử lý chất thải, môi trường và giặt là của Trung tâm.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
2.1. Công tác Điều dưỡng:
– Lập kế hoạch công tác chăm sóc điều dưỡng trong Trung tâm để trình Giám đốc Trung tâm phê duyệt;
– Tổ chức thực hiện công tác chăm sóc người bệnh toàn diện theo quy định;
– Đầu mối xây dựng các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên môn chăm sóc người bệnh phù hợp với đặc điểm của Trung tâm, chuyên khoa để trình Hội đồng Điều dưỡng xem xét và giám đốc phê duyệt;
– Đôn đốc, kiểm tra điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, hộ lý và y công thực hiện đúng các quy định, kỹ thuật chuyên môn;
– Phối hợp với các khoa, bộ phận liên quan lập dự trù mua sắm dụng cụ, vật tư tiêu hao cho công tác chăm sóc điều dưỡng và phục vụ người bệnh. Giám sát chất lượng dụng cụ, vật tư tiêu hao y tế và giám sát việc sử dụng, bảo quản theo quy định;
– Phối hợp với phòng Kế hoạch Nghiệp vụ – Tổ chức Hành chính; Tài chính kế toán trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bố trí và điều động điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, hộ lý và y công, thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, hộ lý và y công. Tham gia tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn thực hành cho học viên và tham gia kiểm tra tay nghề cho điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, hộ lý và y công trước khi tuyển dụng;
– Tham gia công tác nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến;
– Định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo công tác chăm sóc người bệnh trong Trung tâm.
2.2. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn:
– Xây dựng kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn định kỳ và hàng năm, trình Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn thẩm định và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt
– Đầu mối xây dựng các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở các quy định, hướng dẫn chung của Bộ Y tế và trình Giám đốc đơn vị phê duyệt và tổ chức thực hiện.
– Tham mưu việc thực hiện quy chế chống nhiễm khuẩn của đơn vị.
– Kiểm tra công tác vệ sinh, chống nhiễm khuẩn tại các buồng bệnh và các khoa, phòng, trạm y tế. Đảm bảo vệ sinh ngoại cảnh sạch, đẹp (vườn hoa, cây cảnh), hệ thống cống rãnh thông thoát. Định kỳ tổ chức kiểm tra vệ sinh chung trong đơn vị.
– Khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế cho toàn đơn vị.
– Giám sát việc xử lý chất thải cho toàn đơn vị.
– Bảo đảm vệ sinh đơn vị sạch đẹp.
– Giám sát các thành viên trong đơn vị thực hiện kỹ thuật vô khuẩn, vệ sinh khoa phòng.
– Đầu mối phối hợp với các khoa, phòng, trạm y tế liên quan giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn,
– Kiểm tra, đôn đốc viên chức, người lao động, học việc, sinh viên thực tập, người bệnh, người nhà người bệnh và khách hàng thực hiện đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn trong công tác khám, chữa bệnh.
– Quản lý, giám sát các hoạt động khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, cung cấp dụng cụ vô khuẩn, hoá chất sát khuẩn, khử khuẩn, đồ vải và vật tư tiêu hao phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn đơn vị.
– Theo dõi, đánh giá, báo cáo phơi nhiễm và tai nạn rủi ro nghề nghiệp liên quan đến tác nhân vi sinh vật của thầy thuốc, nhân viên y tế.
– Phối hợp với các khoa, phòng, các thành viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn phát hiện, giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
– Thực hiện báo cáo định kỳ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
2.3. Tham gia công tác đoàn thể, tham dự các hội nghị, học tập, bồi dưỡng triển khai nghị quyết…
2.4. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc giao.