Hưởng ứng Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt 2/11

Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hiện có khoảng 1,88 tỷ người trên toàn thế giới có nguy cơ thiếu I-ốt. Gần một phần ba dân số thế giới sống ở các khu vực có hàm lượng I-ốt trong tự nhiên thấp do đó cần thiết phải thường xuyên can thiệp bổ sung I-ốt trong bữa ăn hàng ngày.

Hậu quả của các rối loạn do thiếu I-ốt:

– Thời kỳ bào thai: Sảy thai, đẻ non, tăng tử vong chu sinh, thiểu năng trí tuệ, câm điếc, liệt cứng chi, lác mắt, thiểu năng trí tuệ, lùn.

– Thời kỳ sơ sinh: Bướu cổ, thiểu năng giáp sơ sinh.

– Thời kỳ trẻ em và thanh niên: Bướu cổ, thiểu năng giáp ở thanh niên, khuyết tật chức năng thần kinh, chậm phát triển thể lực.

– Thời kỳ người lớn: Bướu cổ và các biến chứng, thiểu năng giáp, hư hại chức năng thần kinh.

Có nhiều biện pháp phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt, một trong những biện pháp hiệu quả đó là bổ sung I-ốt vào muối ăn hằng ngày. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy đây là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất, thực hiện đơn giản và chi phí thấp nhất.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày.

Để phòng ngừa các bệnh rối loạn do thiếu hụt I-ốt, người dân cần bổ sung các thực phẩm giàu I-ốt trong bữa ăn như: tôm, cua, sò, rong biển, sữa, trứng… và đặc biệt là sử dụng muối I-ốt hoặc bột canh I-ốt hàng ngày thay cho muối trắng thường. Khi thấy có bướu cổ hay các biểu hiện như dấu hiệu ngoài da, tóc, móng tay, móng chân dễ gãy thì cần đến cơ sở y tế, chuyên khoa nội tiết để thăm khám và làm các xét nghiệm về chức năng tuyến giáp”.

Hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (2/11), vì sức khỏe và trí tuệ của thế hệ tương lai, mỗi người dân cần quan tâm sử dụng muối I-ốt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần duy trì thành quả của Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I-ốt trong cộng đồng./.

Hoàng Nhị & Đinh Cao

(Lượt xem 23, hôm nay 1)