Bệnh tay chân miệng (Hand-Foot and Mouth Disease – HFMD)
Bệnh tay chân miệng (TCM) là tình trạng sốt thường do Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 (EV71) hoặc các Enterovirus khác; nhiễm trùng do vỡ của các bọng nước ở tay chân và niêm mạc miệng. TCM không điển hình do Coxsackievirus A6 thường gây sốt cao với tổn thương sẩn, phỏng nước trên da đến tổn thương bọng nước lớn và phỏng nước lan toả khắp cơ thể.
Bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ <5 tuổi, đặc biệt < 3 tuổi, diễn biến tương tự viêm họng mụn nước. Có thể gặp ở người lớn. Bệnh lây từ người sang người. Đường lây chủ yếu theo đường tiêu hoá (nguồn lây chính là nước bọt, dịch phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh). Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Bệnh dễ gây thành dịch, gặp ở hầu hết các địa phương, các tỉnh phía Nam thường gặp số lượng nhiều hơn.
Sự bùng phát dịch lớn do Enterovirus 71 (EV-71) đã xảy ra ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ năm 1997. Bệnh do EV-71 nghiêm trọng hơn do các Enterovirus khác.
Biểu hiện của bệnh tay, chân, miệng điển hình:
– Trẻ em có đau họng, đau miệng và có thể chán ăn. Sốt nhẹ là triệu chứng phổ biến.
– Tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước nhỏ, vỡ nhanh để lại vết loét.
– Vị trí đặc biệt: niêm mạc miệng, lưỡi, mặt trong má, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có thể có các mụn nước nhỏ rải rác quanh đầu gối chân, khuỷu tay, quanh miệng, cằm, quanh hậu môn, sinh dục, vùng mông.
– Thường các phỏng nước của TCM điển hình là lành tính và nhanh hết.
Bệnh có thể có biến chứng nguy hiểm: viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Biến chứng nặng thường do EV71.
Hình ảnh mụn nước trên lưỡi và xung quanh miệng của một bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng
Hình ảnh các tổn thương ở miệng xuất hiện dưới dạng các vết trợt và loét có kích thước khác nhau trên nền ban đỏ sau khi mụn nước vỡ ra.
Hình ảnh các mụn nước trên lòng bàn tay được bao quanh bởi ban đỏ.
Hình ảnh các mụn nước và sẩn ban đỏ ở lòng bàn chân của một bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng.
Chẩn đoán ca lâm sàng: Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ.
Điều trị TCM: Chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Điều trị bao gồm vệ sinh răng miệng tỉ mỉ (sử dụng bàn chải đánh răng mềm và nước rửa muối); Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, chế độ ăn mềm, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ; Hạ sốt khi có sốt và các phương pháp điều trị tổn thương tại chỗ…
Theo dõi trẻ thường xuyên, đưa trẻ đến viện ngay khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như: Sốt cao ≥ 39oC; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê…
Trong thời gian bị bệnh trẻ cần được cách ly khỏi các trẻ lành khác, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng để phòng lây nhiễm.
Viết và đăng bài
Hoàng Nhị – Đinh Cao