Ngày hen toàn cầu 2024: Trao quyền giáo dục về bệnh hen suyễn

Ngày Hen toàn cầu (World Asthma Day – WAD) được tổ chức bởi Tổ chức Toàn cầu phòng chống Hen phế quản (GINA), một tổ chức hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới được thành lập vào năm 1993. Ngày hen toàn cầu hàng năm nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về gánh nặng của bệnh hen suyễn trên toàn thế giới.

Ngày Hen toàn cầu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998 và đã phát triển mỗi năm để trở thành một trong những sự kiện Hen suyễn quan trọng nhất trên toàn cầu. Vào Ngày Hen toàn cầu, hàng trăm hoạt động nâng cao nhận thức sẽ diễn ra ở các nước trên toàn thế giới.

Để kỷ niệm Ngày hen toàn cầu năm 2024, Tổ chức Toàn cầu phòng chống Hen phế quản (GINA) đã chọn chủ đề “Trao quyền giáo dục về bệnh hen suyễn”. GINA nhấn mạnh sự cần thiết phải trao quyền cho những người mắc bệnh hen suyễn với nền giáo dục phù hợp để quản lý bệnh của họ và nhận biết khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe được kêu gọi nâng cao nhận thức của họ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên tục có thể tránh được do hen suyễn, cũng như các bằng chứng được công bố về quản lý hiệu quả bệnh hen suyễn, để họ được trang bị các thông tin đáng tin cậy và phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân của mình.

Hen suyễn là một trong những bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 260 triệu người và gây ra hơn 450.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, hầu hết trong số đó đều có thể phòng ngừa được.

Bên cạnh việc bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán đúng bệnh, bệnh nhân điều trị thuốc theo đúng phác đồ, đúng kỹ thuật và biết về các phương pháp không dùng thuốc là vô cùng quan trọng.

Các phương pháp không dùng thuốc bao gồm:

– Cai thuốc lá và tránh khói thuốc lá trong môi trường: ngay lần khám bệnh đầu tiên, khuyến khích người bị hen hút thuốc cai thuốc lá, tránh phơi nhiễm khói thuốc trong môi trường, đánh giá những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá hơn 10 năm.

– Hoạt động thể chất: khuyến khích người bệnh hen tham gia hoạt động thể chất đều đặn, cung cấp cho bệnh nhân lời khuyên về phòng ngừa và xử trí cơn co thắt phế quản do vận động.

– Tránh tiếp xúc với tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa, thực phẩm, …

– Tránh các loại thuốc có thể khiến hen trở nặng: dặn dò bệnh nhân hen cần khai rõ tiền sử mắc bệnh hen khi đi khám bệnh, sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác.

– Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, phòng phế cầu, vắc xin phòng Covid-19, …

– Thực đơn lành mạnh: khuyến khích bệnh nhân hen sử dụng thực đơn nhiều trái cây và rau nhằm tăng cường sức khỏe tổng quát.

– Giảm cân: đối với những bệnh nhân béo phì bị hen, một chương trình giảm cân cộng với vận động hiếu khí và mạnh mẽ hai lần mỗi tuần có hiệu quả hơn so với chỉ giảm cân đơn độc.

– Tập thở: tập thở có thể bổ sung lợi ích vào liệu pháp hen dùng thuốc đối với các triệu chứng và chất lượng cuộc sống, nhưng không cải thiện chức năng hô hấp hoặc làm giảm nguy cơ đợt kịch phát.

– Tránh chất ô nhiễm không khí ngoài trời/hoặc tình trạng thời tiết: Trong lúc tình trạng môi trường bất lợi (thời tiết rất lạnh hoặc ô nhiễm không khí cao), có thể hữu ích khi ở trong nhà có môi trường được kiểm soát và tránh hoạt động thể chất nặng ở ngoài trời.

– Tham gia câu lạc bộ Hen – COPD tại cơ sở y tế: được tư vấn, giáo dục về bệnh hen, giúp bệnh nhân hen và người nhà tự nhận biết các triệu chứng khởi phát cơn hen để xử trí và đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ Hen phế quản, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh hen phế quản. Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà sẽ được tham gia Câu lạc bộ Hen – COPD, tại đây bác sĩ sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc trong quá trình điều trị bệnh, hướng dẫn người bệnh và người nhà về vấn đề dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, phục hồi chức năng hô hấp, tập luyện thể dục hàng ngày phù hợp,… Qua đó giúp cải thiện kỹ năng thực hành kiểm soát môi trường sống, biết xử lý khi cơn hen xuất hiện trong trường hợp vận động gắng sức.

“Kiểm soát tốt bệnh hen là góp phần giảm gánh nặng chi phí do điều trị, giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.”

 

Hoàng Nhị & Đinh Cao

(Lượt xem 38, hôm nay 1)