Tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại

 

Là một bệnh chung giữa người và gia súc, gây tử vong bởi một loại virut có tên gọi Lyssaviruses thuộc họ Rhabdoviridae.

Bệnh dại là gì?

Virus dại có thể ảnh hưởng trên các loài gia súc máu nóng và gây ra các xáo trộn hệ thần kinh; bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Trước khi chết, con vật bị bệnh thường chuyển sang thời kỳ bại liệt.

Ở Việt Nam, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm khoảng 97%, sau đó là mèo nhà chiếm 2,7%. Đường lan truyền bệnh hầu hết thông qua vết cắn của gia súc và bệnh dại thường có thời gian nung bệnh kéo dài.

Hằng năm, nước ta có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, phí tổn ước tính hơn 300 tỷ đồng. Miền núi phía bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong. Các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%. Người bị bệnh dại cũng có hai thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

Thể hung dữ thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước, nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản… Đối với thể liệt, bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Chính vì vậy, người vẫn nói bệnh dại là bệnh gây cái chết đau đớn và thương tâm.

Còn theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại.

Biểu hiện của bệnh dại trên người

Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 – 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

–  Thể hung dữ: thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước (Hydrophobia), bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản…

–  Thể liệt: bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

Xử trí khi bị chó, mèo dại cắn, cào

Người bị chó, mèo cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng, sát khuẩn vết thương bằng cồn iod để chống bội nhiễm và giảm đến mức tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người… và đến trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được bác sĩ tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

Phòng ngừa bệnh dại

Để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả, mọi người, mọi gia đình phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi có nuôi chó, mèo như đăng k‎‎ý việc nuôi chó, mèo với UBND cấp phường, xã và cơ quan thú y địa phương. Khi nuôi chó với số lượng nhiều từ 5 con trở lên phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Nuôi trong nhà, không thả chạy rong, đảm bảo vệ sinh môi trường không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra đường phải có người dẫn và có rọ mõm.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 
  2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
  3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
  4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

– Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. 

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là “thú cưng” đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành ‘thú dữ”, gây hại cho sức khỏe của người nuôi.

Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa.

Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải.  Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó, mèo rụng bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm.

Nên tắm thường xuyên cho chó, mèo. Đặc biệt, nhớ tẩy giun cho “thú cưng” đúng thời hạn.

(Lượt xem 461, hôm nay 1)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.