Nỗ lực loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng
Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao trong cộng đồng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng và nhiều khả năng dẫn đến tử vong. Cùng với ngành y tế và các ngành chức năng thì cộng đồng đang cùng nhau đoàn kết chung tay phòng, chống bệnh lao. Từ đó, sớm loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
Tỉnh Quảng Ninh ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác quốc tế về công tác phòng ngừa, kiểm soát, điều trị bệnh lao, giai đoạn 2018-2020 với CDC Đài Loan và Bệnh viện Vạn Phương (Đài Bắc).
Tại Quảng Ninh, chương trình chống lao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt gần 94% năm 2018. Công tác điều trị thực hiện hiệu quả. Việc giám sát bệnh nhân lao kháng đa thuốc, bệnh nhân lao/HIV được quản lý và giám sát chặt chẽ, đúng quy định, góp phần ngăn chặn nguồn lây chính bệnh lao trong cộng đồng. Trong năm 2018, toàn tỉnh khám bệnh lao và lấy mẫu đờm cho gần 20.000 người. Qua đó đã phát hiện và thu nhận 1.300 bệnh nhân lao các thể, trong đó số bệnh nhân lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn học là 544 người, 127 người tái phát và điều trị lại, bệnh nhân lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học là 356 người và lao ngoài phổi, lao các thể là 276 người. Đối với hoạt động phối hợp lao/HIV, năm 2018, tổng số bệnh nhân lao được tư vấn và làm xét nghiệm HIV là 1.127 người, trong đó số bệnh nhân lao xét nghiệm HIV (+) là 77. Số bệnh nhân HIV điều trị đồng thời ARV, lao là 65/77 người.
Hiện mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 186/186 xã, phường, thị trấn. Các cán bộ trạm y tế tuyến xã đã thường xuyên đến từng hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh lao. Đồng thời tổ chức khám, phát thuốc, theo dõi… để bệnh nhân điều trị đúng theo phác đồ. Ông Nông Văn Lý, xã Bình Khê, TX Đông Triều, hiện đang được quản lý bệnh tại Trạm y tế xã Bình Khê. Ông Lý cho biết: Hàng ngày tôi đến trạm y tế xã để tiêm thuốc và lĩnh thuốc điều trị lao nên rất thuận tiện. Tôi sẽ cố gắng thực hiện đúng phác đồ điều trị để bệnh ổn định và không lây lan cho cộng đồng.
Ông Nông Văn Lý, xã Bình Khê, TX Đông Triều, hiện đang được quản lý bệnh lao tại Trạm y tế xã Bình Khê.
Bác sĩ Vũ Thị Thu Thủy, Phó trưởng Trạm Y tế xã Bình Khê, cho biết: Mặc dù địa bàn chỉ có 3 bệnh nhân lao nhưng chúng tôi luôn quan tâm quản lý, theo dõi để người bệnh giữ đúng phác đồ điều trị. Cùng với đó, cán bộ y tế xã thường xuyên tuyên truyền, vận động những người nghi nhiễm lao đi xét nghiệm để được điều trị sớm và giúp người dân nâng cao nhận thức về bệnh lao để chủ động phòng ngừa.
Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao lây theo đường không khí, nên mọi người, mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội đều có thể mắc lao. Song thực tế cho thấy, công tác phòng chống lao ở cộng đồng hiện gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, người bị lao thường giấu bệnh hoặc khi phát hiện thì bỏ đi nơi khác sinh sống do mặc cảm sợ cộng đồng xa lánh, không ít người bệnh điều trị được 1, 2 tháng, thấy cơ thể khỏe hơn đã bỏ giữa chừng, không tiếp tục uống thuốc, điều trị theo đúng phác đồ… Do vậy, sau một thời gian các chất thuốc kháng lao sẽ hết tác dụng, bệnh ngày càng trầm trọng hơn và khi phát tác rất khó điều trị.
Người bệnh lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh.
Bác sĩ Vũ Đức Phan, Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh, cho biết: Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Đồng thời, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách.
Để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các địa phương triển khai kế hoạch. Theo đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao. Đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới trong khám, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Các cơ sở y tế kiểm soát tốt việc nhiễm khuẩn lao, phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao. Tăng cường đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ, người lao động trực tiếp làm công tác phòng, chống lao. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển kỹ thuật và chủ động vận động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phòng, chống lao.
Nguyễn Hoa – http://www.baoquangninh.com.vn