Những ca trực đêm ở bệnh viện…

Trực đêm – đối với đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn luôn là những đêm trắng không ngơi nghỉ, thậm chí là “cuộc chiến” để giành giật lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần. Áp lực chồng chất áp lực, bởi bệnh nhân nhập viện ban đêm thường là những ca bệnh nặng, người say xỉn, đối tượng xã hội… Điều đó đòi hỏi các bác sĩ không chỉ cần có tay nghề cao, sự kiên nhẫn, tận tâm, để cứu chữa người bệnh mà còn cần cả những kỹ năng để bảo vệ chính mình.

Đêm trắng

Ca trực đêm tại các bệnh viện được bắt đầu từ 16h30’ ngày hôm trước tới 7h30’ ngày hôm sau. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, phần lớn các khoa, bộ phận của bệnh viện đều phải cắt cử y, bác sĩ trực đêm. Mục sở thị một ca trực đêm của y, bác sĩ các bệnh viện tuyến tỉnh trong những ngày cuối năm Đinh Dậu, chúng tôi mới thấy cường độ cũng như áp lực công việc của họ lớn đến mức nào.

Bác sĩ

Bác sĩ Đào Hồng Ngự, Trưởng Khoa Hô hấp (Bệnh viện Bãi Cháy)

trao đổi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Khi công việc của một ngày theo đúng giờ hành chính kết thúc, không một phút ngơi nghỉ, bác sĩ Đào Hồng Ngự, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, cùng với khoảng 100 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện tiếp tục bước vào ca trực đêm của mình. 21h30’ tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện chật cứng người bệnh với “muôn hình, vạn trạng” tình huống như: Thương tích do ẩu đả, tai nạn giao thông hoặc đau cấp tính liên quan đến một số bệnh… Cùng với đó là những người nhà của bệnh nhân với khuôn mặt lo âu, căng thẳng đứng ngồi không yên. Cả Khoa Cấp cứu lúc này như nêm kín người nhưng không hề lộn xộn. Các y, bác sĩ của Bệnh viện như đã quá quen với tình hình này, họ luôn tay luôn chân, tất bật với công việc của mình: Người khám bệnh, người lên hồ sơ bệnh án, người đo huyết áp, hỏi thăm tình hình của bệnh nhân… Tất cả được phối hợp nhịp nhàng, khoa học.

Phải đến tầm 3 tiếng sau, khi công việc đã “vãn”, tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi, bác sĩ Đào Hồng Ngự mới trò chuyện được với chúng tôi. Anh cho biết, hoạt động khám chữa bệnh ban ngày như thế nào thì trong ca trực tối cũng như vậy, đó là công việc quen thuộc của tất cả cán bộ, y, bác sĩ ở Bệnh viện. Tuy nhiên, các ca bệnh vào ban đêm thường là ca cấp cứu nặng, cần khám chữa ngay, bởi vậy đòi hỏi việc khám, chẩn đoán cho bệnh nhân phải nhanh chóng, chính xác. Có lẽ vì cường độ làm việc như vậy nên ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đều là những người trẻ, có sức khỏe dẻo dai và chịu được áp lực lớn của công việc. Những người lớn tuổi được bố trí ở các phòng, khoa khác phù hợp hơn.

Rời Khoa Cấp cứu, chúng tôi tới Khoa Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức. Lúc này, bác sĩ Phạm Hòa Hưng đang chuẩn bị thực hiện ca mổ sọ não khá phức tạp. Tranh thủ lúc y tá chuẩn bị thiết bị, máy móc, phòng mổ, anh chia sẻ: Mỗi ca trực đêm trung bình có từ 8-10 ca phẫu thuật, nhẹ có, nặng có. Có những ca mổ đơn giản chỉ diễn ra vài chục phút nhưng cũng có những ca phức tạp diễn ra cả vài tiếng đồng hồ. Thời gian chuyển ca bệnh cũng rất nhanh, có những lúc chỉ sau 20-30 phút, cứ liên tục như vậy cho đến hết ca trực. Người ta bảo ca đêm rất dài, nhưng với chúng tôi có những lúc quên đi cả khái niệm về thời gian.

 

bác sỹ CKI, Đỗ Văn Mạnh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo đang khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Đỗ Văn Mạnh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc

– Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám cho bệnh nhân.

Cũng giống như Bệnh viện Bãi Cháy, những ca đêm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn diễn ra trong trạng thái khẩn trương, không phút nào ngơi nghỉ. Như tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo, đây là một trong những khoa tiếp nhận điều trị tất cả các ca bệnh nặng, nguy kịch từ các khoa trong bệnh viện và bệnh nhân chuyển từ các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn. Đồng thời điều trị và chăm sóc tích cực, chuyên sâu suốt 24/24 giờ cho những bệnh nhân nặng có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Bác sĩ Đỗ Văn Mạnh, Phó trưởng Khoa cho biết: Hằng ngày, Khoa Hồi sức tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng, công việc lúc nào cũng liên tục, không kể ngày đêm. Chưa kể, Khoa chúng tôi cũng phối hợp cùng các khoa tham gia cấp cứu ngoại viện với những tình huống cấp cứu xảy ra hàng loạt, cấp cứu thảm họa; chỉ đạo chuyên khoa cho tuyến dưới… Ngay cả không trong ca trực thì chúng tôi cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Bởi đối với những ca bệnh nặng, cần hội chẩn hoặc đưa ra phương án nhanh thì dù không trong ca trực các bác sĩ chuyên khoa vẫn được triệu tập tới bệnh viện. Để thuận tiện cho công tác, nhiều y, bác sĩ đã chuyển nhà tới gần bệnh viện.

Công việc áp lực, gần như không có giờ nghỉ cố định, tranh thủ trong khoảng thời gian rảnh hiếm hoi của ca trực đêm (có thể đến bất cứ lúc nào), các y, bác sĩ chợp mắt ngay tại bàn làm việc. Họ cũng có phòng nghỉ do bệnh viện bố trí, đó là 1 gian phòng nhỏ chừng 10-15m2 với 1-2 chiếc giường đơn, nhưng, thường thì chẳng mấy khi nghỉ được lâu, bởi, những ca cấp cứu vẫn liên tục diễn ra suốt ca trực…

Tận tâm, tận lực vì người bệnh

Nếu như ban ngày, các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận hàng trăm ca bệnh thì trung bình mỗi ca trực đêm bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 ca bệnh, cũng có những ngày lên tới hơn 80 ca bệnh. Hơn nữa, các ca nhập viện vào ban đêm đều là những ca bệnh nặng, gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe của người bệnh. Ngoài cường độ làm việc căng thẳng, chạy đua với thời gian, các y, bác sĩ bệnh viện còn phải đối mặt với nhiều tình huống “ngoài nghiệp vụ”, đôi khi còn nguy hiểm với họ.

Một ca mổ cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Một ca mổ cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Bác sĩ Đào Hồng Ngự chia sẻ với chúng tôi: Đến 80% các ca bệnh nhập viện vào ban đêm là ẩu đả, tai nạn giao thông, phần lớn đều xuất phát từ uống rượu, mâu thuẫn của các nhóm đối tượng xã hội. Những bệnh nhân khi nhập viện đã không còn trong tình trạng tỉnh táo, chúng tôi phải tìm mọi biện pháp để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Cũng có những bệnh nhân được những đối tượng xã hội đưa vào, họ cầm theo cả hung khí, dọa nạt, gây mất an ninh, trật tự bệnh viện. Một số bệnh nhân vào viện có dấu hiệu bất ổn tâm lý, đã mắc các bệnh truyền nhiễm (trong đó có HIV), không hợp tác với bác sĩ, thậm chí sẵn sàng gây thương tích cho mình và các y, bác sĩ. Những lúc đó, ngoài thăm khám cho bệnh nhân, anh em cũng phải hết sức cẩn trọng trong cách ứng xử và phải đề phòng không để bị các đối tượng gây hấn. Một số trường hợp bất đắc dĩ chúng tôi phải nhờ tới lực lượng an ninh của bệnh viện can thiệp.

Với 13 năm làm điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chị Trịnh Trần Nga cũng đã trải qua rất nhiều tình huống trong ca trực. Chị Nga tâm sự: Là khoa tiếp nhận những bệnh nhân nặng nên ngoài việc điều trị thì chúng tôi còn thay người nhà bệnh nhân chăm lo từ giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân. Nhiều bệnh nhân tinh thần không ổn định, khi đau còn chửi mắng, mạt sát nhân viên y tế hay đòi đập phá. Nếu không có kỹ năng ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân thì thật khó để họ hợp tác điều trị.

Làm tròn nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc người bệnh, nhưng khi nhắc tới gia đình, nhiều y, bác sĩ không khỏi chạnh lòng, xen lẫn một chút áy náy. Đó là những ngày nghỉ, ngày lễ, tết, rất nhiều người trong số họ đã không thể có mặt bên gia đình, cùng ăn bữa cơm tất niên như bao người khác. Rất nhiều dịp quan trọng của người thân họ không thể tham gia đầy đủ. Người thân của họ cũng đã quen với những cuộc điện thoại lúc đêm khuya, những bữa ăn vội vã, với sự vắng mặt thường xuyên của họ trong gia đình. Gần như mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình trao lại cho người bạn đời của mình để họ tập trung vào công việc chuyên môn. Nói vậy để thấy, phải yêu thương, thấu hiểu rất nhiều, thì những người bạn đời, người thân, gia đình của y, bác sĩ mới có thể cùng chia sẻ, hỗ trợ họ, là hậu phương vững chắc để họ hoàn thành nhiệm vụ cứu người, cũng là điểm tựa tinh thần của họ.

Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo luôn có nhiều bệnh nhân nặng nên các y bác sỹ thường xuyên túc trực theo dõi tình hình bệnh nhân

Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo luôn có nhiều

bệnh nhân nặng nên các y, bác sĩ phải thường xuyên túc trực theo dõi tình hình bệnh nhân.

Bác sĩ Loan Tám Bảy, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ với chúng tôi: Về nguyên tắc, y, bác sĩ, nhân viên lao động làm việc theo ca liên tục 24 giờ, sau đó được nghỉ 24 giờ. Tuy nhiên, do không đủ nhân lực nên chúng tôi phải thường xuyên làm tăng giờ, nhất là những ngày lễ, tết. Đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi mới lập gia đình hơn 4 năm. Ngày mới tìm hiểu, tôi cũng đã chia sẻ những vất vả trong công tác của mình với vợ. Dần dần cô ấy cũng hiểu và thông cảm. Đó là điều may mắn của tôi. Bản thân tôi cũng sắp xếp thời gian khi về nhà phụ giúp vợ hoặc chơi với con để không khí gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm.

Tìm hiểu những ca trực đêm trong bệnh viện, chúng tôi càng thêm yêu mến, nể phục công việc của những cán bộ, y, bác sĩ trong các bệnh viện. Áp lực chạy đua về thời gian để cứu người, áp lực trong ứng xử những tình huống với bệnh nhân để họ hợp tác điều trị, và cả những tâm tư với gia đình… Vậy mà họ đã vượt qua được tất cả. Bởi vì có họ, biết bao người bệnh đã được cứu sống, mang lại niềm vui, sức khỏe cho nhiều gia đình. Đổi lại họ phần nào phải chia sẻ những hạnh phúc riêng bên gia đình, người thân. Vậy nhưng, không ai trong số họ nản lòng, muốn từ bỏ công việc của mình. Trong mỗi ca trực, chúng tôi đều thấy ở họ sự mê say, tận tâm, tận lực, tất cả vì người bệnh.

– http://baoquangninh.com.vn

(Lượt xem 4.351, hôm nay 1)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.