Ngày Thế giới Nhận thức về Tự Kỷ 2/4

Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/139 lấy ngày 2/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc phải hội chứng này.

Theo dữ liệu mới nhất từ tổ chức y tế thế giới WHO, cứ khoảng 100 trẻ thì có một trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, người ta nhận thấy tỷ lệ trẻ có biểu hiện tự kỷ đến khám tại các cơ sở y tế nhi khoa và chuyên khoa tâm thần tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây.

Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm ngay từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ như:

+ Trẻ ít hoặc hầu như không có các biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt và cử chỉ;

+ Trẻ ít hoặc hầu như không có giao tiếp mắt với người khác, không đáp ứng khi được gọi tên;

+ Trẻ không có hoặc có rất ít ngôn ngữ diễn đạt, hoặc ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ cùng trang lứa;

+ Trẻ mất khả năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội nào đã có trước đó;

+ Trẻ có các hành vi, sở thích, thói quen mang tính chất rập khuôn, lặp đi lặp lại (đi nhón chân, đi xoay tròn, xếp các đồ vật thành hàng dài hoặc chồng cao, thích các đồ vật quay tròn …);

Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp làm tăng khả năng cải thiện triệu chứng và giảm khả năng xuất hiện các bất thường không đáng có (rối loạn hành vi, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ …) trong những năm tiếp theo của cuộc đời.

Ngày 02/04 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn. Hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp chúng ta phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ mắc hội chứng này, không bỏ qua “thời gian vàng” là trước khi trẻ được 2 tuổi, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, đưa ra những giải pháp hỗ trợ thích hợp./.

Hoàng Nhị & Đinh Cao

(Lượt xem 25, hôm nay 1)