Mô hình y tế tuyến huyện “2 trong 1”: Bước đi đúng hướng
Thực hiện Đề án 25, từ tháng 6-2016, ngành Y tế Quảng Ninh thực hiện hợp nhất 7 trung tâm y tế tuyến huyện với bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cùng địa bàn thành trung tâm y tế thực hiện 2 chức năng điều trị và dự phòng. Sau một thời gian hoạt động, mô hình trung tâm y tế mới đã phát huy hiệu quả, thể hiện bước đi đúng của ngành Y tế tỉnh.
Trước tháng 6-2016, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hà và Trung tâm Y tế huyện Hải Hà là hai đơn vị nhưng lại nằm chung trong khuôn viên bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Đông Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Hải Hà hiện nay, cho biết: Trước năm 2007, Bệnh viện và Trung tâm vốn là 1 đơn vị. Đến năm 2008, với mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của khối y tế dự phòng, Hải Hà cùng 7 địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành tách mô hình này ra làm 2 đơn vị riêng biệt là bệnh viện và trung tâm y tế. Do vậy, sau gần 10 năm, khi sáp nhập lại, chúng tôi có nhiều thuận lợi trong tổ chức bộ máy, hoạt động chuyên môn cũng như sắp xếp, tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Theo đánh giá của Sở Y tế, việc hợp nhất 2 đơn vị y tế tuyến huyện thành 1 đơn vị – Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện 2 chức năng đã tinh giản về tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Về tổ chức bộ máy và nhân lực: Đã giảm 1 bộ máy lãnh đạo quản lý; các khoa, phòng tập trung vào 1 đầu mối chuyên khoa, chuyên ngành; giảm ít nhất 2 khoa (sức khoẻ sinh sản; xét nghiệm) và 1 phòng (hành chính tổng hợp) của mỗi trung tâm y tế (hệ dự phòng) do hợp nhất với các khoa, phòng tương đồng thuộc bệnh viện (hệ điều trị).
Sau khi hợp nhất, Trung tâm Y tế Hải Hà đã khẩn trương sắp xếp lại các khoa, phòng; bố trí nhân lực cũng như các trang thiết bị theo hướng không để lãng phí, chồng chéo và vẫn đảm bảo tốt mọi hoạt động của đơn vị. “Hoạt động của Trung tâm không hề bị xáo trộn, ngược lại còn đi ngay vào nền nếp. Nhờ dồn được nguồn lực, nhân lực, Trung tâm đã có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn cả 2 chức năng điều trị và dự phòng. Theo kế hoạch, Trung tâm chỉ được giao 80 giường nhưng đã thực kê lên đến 140 giường; thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến trên như phẫu thuật nội soi ổ bụng, chụp CT-scanner… Công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được đảm bảo. Mới đây, Trung tâm thu hút được 2 bác sĩ đa khoa tốt nghiệp đại học chính quy, đang cử đi học định hướng chuyên ngành sản nhi và hồi sức cấp cứu. Khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là cơ sở vật chất, hạ tầng xây dựng lâu năm nay ngày càng xuống cấp, chật chội. Nếu được đầu tư xây mới, mở rộng thì sẽ có điều kiện tốt hơn để phục vụ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân” – bác sĩ Nguyễn Đông Thanh chia sẻ.
Đối với Trung tâm Y tế TX Đông Triều, sau sáp nhập, đã giảm bộ máy quản lý (giảm 7 lãnh đạo xuống còn 5); các khoa, phòng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dược, kế hoạch tổng hợp… ở 2 đơn vị được gộp làm một. Chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng Khoa Xét nghiệm của Trung tâm, cho biết: “Khi Trung tâm và Bệnh viện sáp nhập, trang thiết bị cũng như nhân lực của Khoa Xét nghiệm được gộp lại; tần suất sử dụng các máy móc, thiết bị cao hơn. Về con người cũng được bố trí chủ động, linh hoạt hơn, tập trung hơn cho những phần việc chuyên môn quan trọng, cần ưu tiên”. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Đông Triều, khẳng định: Việc sáp nhập 2 đơn vị y tế tuyến huyện là chủ trương đúng, mang tính tích cực. Bộ máy đơn vị bớt rườm rà, tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị mạnh hơn; công tác chuyên môn được đầu tư chuyên sâu, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các lĩnh vực như đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh… tốt hơn trước kia.
Theo đánh giá của Sở Y tế, việc hợp nhất 2 đơn vị y tế tuyến huyện thành 1 đơn vị – Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện 2 chức năng đã tinh giản về tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Về tổ chức bộ máy và nhân lực: Đã giảm 1 bộ máy lãnh đạo quản lý; các khoa, phòng tập trung vào 1 đầu mối chuyên khoa, chuyên ngành; giảm ít nhất 2 khoa (sức khoẻ sinh sản; xét nghiệm) và 1 phòng (hành chính tổng hợp) của mỗi trung tâm y tế (hệ dự phòng) do hợp nhất với các khoa, phòng tương đồng thuộc bệnh viện (hệ điều trị). Các khoa hợp nhất được lồng ghép thực hiện nhiệm vụ của hệ dự phòng và hệ điều trị để bổ trợ năng lực chuyên môn và nhân lực làm việc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dôi dư tại các khoa, phòng chức năng của trung tâm y tế (trước khi hợp nhất) được bố trí làm việc ở các khoa, phòng tương ứng (hệ điều trị) của trung tâm y tế 2 chức năng mới thành lập nên sẽ không phải bổ sung biên chế, nhân lực.
Về chuyên môn: Trước đây, hệ dự phòng đã triển khai các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, nhưng tần suất sử dụng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn hạn chế. Sau khi hợp nhất, các kỹ thuật này được lồng ghép ở các khoa tương ứng của bệnh viện nên tần suất làm việc thường xuyên hơn, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ y tế. Các khoa, bộ phận được kiện toàn theo hướng tinh gọn, dành nguồn nhân lực tăng cường cho chuyên môn. Tuy hoạt động theo hướng chuyên môn hoá nhưng có sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả cho nhau trong công tác chỉ đạo hoạt động của y tế xã, y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh… Khi hợp nhất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được quy về một mối nên cũng giảm nhu cầu đầu tư so với trước đó.
Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngay sau khi hoàn thành hợp nhất 7 trung tâm y tế tuyến huyện với bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cùng địa bàn thành trung tâm y tế 2 chức năng, Sở đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý của 7/7 đơn vị được hợp nhất, tạo sự đồng thuận cao. Đến nay, các trung tâm y tế tuyến huyện đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Năm 2017, ngành Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo để phát huy hiệu quả của trung tâm y tế 2 chức năng, thực hiện đồng thời, hiệu quả cả 2 nhiệm vụ khám, chữa bệnh và dự phòng, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác y tế dự phòng..
– http://baoquangninh.com.vn