Không chủ quan với bệnh ho gà

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Xuân Kiên

– Xin bác sĩ cho biết về tình hình bệnh ho gà trên địa bàn tỉnh hiện nay?

+ Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến giữa tháng 6, toàn tỉnh có 48 trường hợp nghi ho gà, trong đó, kết quả xét nghiệm khẳng định 25 mẫu dương tính. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, ca bệnh ho gà tăng hơn 26 ca. Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay cũng có nhiều ca bệnh ho gà đến điều trị, đa phần là trẻ nhỏ.

Ho gà là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra với trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tháng tuổi khi chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp bởi các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân bắn ra khi ho, hắt hơi.  Do đó, đây là bệnh rất dễ lây lan thành dịch nếu không biết cách phòng tránh. May mắn là hiện nay đang thời điểm trẻ nghỉ hè nên việc lây lan bệnh trong các trường học đã hạn chế. Tuy nhiên, do là địa bàn du lịch nên nguy cơ lây lan bệnh luôn tiềm ẩn nếu các gia đình chủ quan.

– Làm sao để phân biệt được ho gà với các bệnh có triệu chứng ho khác, thưa bác sĩ?

– Bệnh ho gà ho gà thường kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, bắt đầu như các bệnh cảm lạnh thông thường. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Khác với nhiều bệnh khác, ho gà có cơn ho rất đặc trưng, thể hiện: Trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Thậm chí, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn (thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt).

 Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng rất cao từ 15.000-50.000/mm³, chủ yếu là tế bào Lympho. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản – phổi hoặc gây khó thở, ngừng thở… dẫn đến tử vong.

Trực khuẩn ho gà (theo suckhoedoisong,vn)

Trực khuẩn ho gà.

– Phòng bệnh bằng cách nào, thưa bác sĩ?

– Bệnh ho gà có tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt bắn (ho, hắt hơi) của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Để phòng bệnh, trước hết các gia đình cần cho trẻ tiêm phòng vắc xin theo đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Cần giữ gìn vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học… thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình.

Cần cách ly bệnh nhân ho gà để tránh lây lan cho cộng đồng. Trường hợp bệnh nghi ngờ cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Thời gian cách ly khoảng 3 tuần kể từ khi xuất hiện các triệu chứng viêm long. Cần sát trùng tẩy uế đồng thời đối với dịch mũi họng và các đồ dùng bị nhiễm bẩn của bệnh nhân.

Đối với trẻ dưới 6 tuổi, khi bị ho gà, cần đưa trẻ vào bệnh viện để theo dõi và điều trị nội trú tại bệnh viện.

Đối với trẻ lớn hơn và chưa có biến chứng, có thể cho trẻ điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong vòng 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng các thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho, long đàm… bởi chúng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

– Xin cám ơn bác sĩ!

http://www.baoquangninh.com.vn – Thu Nguyệt (thực hiện)

(Lượt xem 90, hôm nay 1)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.