HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh tái phát và có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, do sức đề kháng và chức năng hô hấp giảm sút. Việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế: Những người mắc bệnh COPD có khả năng trải qua các đợt cấp, trong đó các triệu chứng trở nên tệ hơn so với triệu chứng thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày đến vài tuần tuỳ theo từng trường hợp. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy…chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống bị rút ngắn. COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể điều trị làm giảm triệu chứng bệnh thông qua việc dùng thuốc đúng cách, đầy đủ và tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, kiểm soát được bệnh ở giai đoạn ổn định, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Do vậy, khi đã mắc COPD, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh để giúp bệnh nhân điều trị đúng phác đồ, sử dụng đúng thuốc, đúng liều.
Hiện nay, bệnh nhân COPD đang được điều trị quản lý hàng tháng, họ sẽ đến khám định kỳ và được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Từ đó, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, chế độ sinh hoạt hợp lý và các bài tập phục hồi chức năng cho cơ quan hô hấp.
Người mắc bệnh lý về hô hấp đa dạng độ tuổi, nhưng riêng với bệnh COPD chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung niên và cao tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong các môi trường có yếu tố nguy cơ như khói bụi, ô nhiễm không khí…
Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ngày 15/11, mỗi người cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khí, hoá chất, khói độc hại, bụi, thuốc lá:
– Hãy tránh xa khói thuốc lá, bụi khói và khí độc để phòng tránh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Để lá phổi khỏe mạnh – Hãy tránh xa khói thuốc lá, bụi khói và khí độc.
– “Hơi thở là cuộc sống –Hãy hành động phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sớm hơn”./.
Hoàng Nhị & Đinh Cao