Dành nguồn lực đầu tư cho phát triển y tế
Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2011-2016, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển y tế. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Trung tâm Y tế TX Đông Triều được nâng cấp, mở rộng hiện đại.
Mạng lưới y tế cơ sở hiện nay của tỉnh Quảng Ninh gồm 4 bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa, 10 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 14 trung tâm y tế tuyến huyện, 4 đơn vị trực thuộc và 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmex, 2 Trung tâm Y tế ngành Than (Vàng Danh, Mạo Khê) và hơn 1.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân.
Trước năm 2011, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở y tế xuống cấp, dây chuyền công năng lạc hậu, quy mô không đáp ứng phục vụ người bệnh. Một số đơn vị không đủ diện tích phòng bệnh, bệnh nhân nội trú phải nằm ghép. Cùng với đó, trang thiết bị y tế hiện đại chưa có, chủ yếu là trang sắm thiết bị y tế thiết yếu. Kinh phí đầu tư còn hạn chế nên trang thiết bị y tế tại các đơn vị còn thiếu sự đồng bộ. Do đó, các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện những kỹ thuật mới, khó.
Ca phẫu thuật tán sỏi qua da do bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện
và truyền hình trực tuyến tại Hội nghị khoa học phẫu thuật nội soi và ngoại khoa năm 2017 tại Quảng Ninh.
Nhằm giải quyết thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị trong lĩnh vực y tế. Theo đó, giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã triển khai 16 dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực y tế, với tổng mức đầu tư trên 1.380 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 1.340 tỷ đồng. Tiêu biểu như công trình Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trung tâm Xạ trị (Bệnh viện Bãi Cháy), Nhà chống nhiễm khuẩn và một số hạng mục phụ trợ thiết yếu (Trung tâm Y tế TP Móng Cái)…
Nhờ cơ sở hạ tầng được phát triển, mở rộng nên số giường bệnh ngày càng tăng. Đến nay, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của tỉnh đã tăng từ 36 giường/vạn dân (năm 2010) lên 56 giường/vạn dân (năm 2017). Cùng với đó, các công trình được đầu tư xây dựng đồng bộ, khoa, phòng hiện đại, cảnh quan môi trường sạch đẹp đáp ứng nhu cầu KCB. Người bệnh yên tâm KCB, không phải đi xa, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều khiển
máy tuần hoàn máu ngoài cơ thể. Ảnh: Hoàng Quý
Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị để phục vụ nhu cầu KCB của người dân. Giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã đầu tư 14 dự án trang thiết bị y tế, tổng mức đầu tư là 825 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 708 tỷ đồng, tập trung vào một số thiết bị chuyên sâu hiện đại ngang tầm khu vực, như: Hệ thống chụp mạch xóa nền 2 bình diện, hệ thống tim-phổi nhân tạo, phẫu thuật tim hở, hệ thống siêu lọc máu, xạ trị điều trị ung thư, xét nghiệm miễn dịch tự động…
Khi được hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực, các cơ sở y tế đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời tăng công suất sử dụng giường bệnh… Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được trên 50% danh mục kỹ thuật tuyến trung ương, với gần 1.500 kỹ thuật khó, như: Can thiệp mạch vành, mổ tim, thay đốt sống cổ, thay đĩa đệm cột sống, cắt gan, lọc máu liên tục… Điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bước đầu triển khai Trung tâm Tim mạch, thực hiện kỹ thuật chụp CT chẩn đoán bệnh mạch vành, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch. Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai được nhiều kỹ thuật mới, khó của tuyến trung ương khi triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Việt Đức và Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai. Còn Bệnh viện Bãi Cháy phát triển được nhiều kỹ thuật ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm từ các thiết bị đầu tư. Với hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla được đầu tư từ năm 2012, bệnh viện đã thực hiện chụp MRI toàn thân, chẩn đoán, điều trị nhiều ca bệnh phức tạp về thần kinh, sọ não và cột sống… Còn các đơn vị y tế tuyến huyện đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao của tuyến tỉnh, như phẫu thuật nội soi, xử lý vết thương gan trong chấn thương, xử lý vết thương tim, phẫu thuật sọ não, chạy thận nhân tạo.
Trạm y tế tuyến xã cũng được đầu tư 10.233 thiết bị thuộc 67 danh mục. Ngoài ra, các trạm còn được cấp thiết bị từ dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ Toàn cầu tài trợ, với 3.432 thiết bị, dụng cụ và túi y tế. Cùng với đó, từ năm 2011-2013, tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư bổ sung nhiều trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã với mục tiêu tăng cường năng lực cho trạm và thực hiện chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Hiện nay, thực hiện Đề án 25, các trạm y tế tuyến xã được điều chuyển về UBND cấp huyện quản lý và hoạt động theo mô hình mới. Do đó, Sở Y tế đã thực hiện điều chuyển một số thiết bị y tế đã đầu tư giữa các trạm y tế để phù hợp với từng mô hình, phát huy hiệu quả sử dụng.