CÚM MÙA: Triệu chứng, dấu hiệu và biện pháp phòng bệnh
Bệnh cúm mùa hiện đang diễn biến phức tạp ảnh hướng lớn đến sức khỏe người dân nhất là trẻ em và người già sức đề kháng kém. Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng, nhưng không lơ là, chủ quan, cần nắm rõ các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh nặng và các biện pháp phòng bệnh cúm mùa:
Triệu chứng bệnh cúm mùa
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh cúm mùa thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: Sốt hoặc ớn lạnh; Ho; Đau họng; Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Đau nhức cơ; Nhức đầu; Mệt mỏi; Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, tình trạng này phổ biến ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp mắc cúm đều có thể hồi phục sau khoảng 1 tuần mà ít khi để lại các biến chứng. Đặc biệt ở người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt bệnh thường diễn tiến nhẹ và hồi phục trong vòng 5 đến 7 ngày.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chuyển nặng cần nhập viện theo dõi
Mặc dù cúm nhẹ có thể tự khỏi, nhưng cần đi khám nếu có dấu hiệu sau:
– Sốt cao > 39°C, kéo dài, không hạ sốt dù đã uống thuốc hạ sốt.
– Khó thở, đau ngực, tím môi.
– Mệt mỏi quá mức, lơ mơ, co giật.
– Ho nhiều, khạc đờm xanh, vàng (dấu hiệu nhiễm khuẩn thứ phát).
Hoặc bất kỳ dấu hiệu chuyển nặng hay tăng lên của các triệu chứng khi xuất hiện cũng cần phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh
– Tiêm vắc xin phòng cúm: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Vắc xin cúm nên được tiêm hàng năm do virus cúm thường xuyên biến đổi và nên lựa chọn thời điểm tiêm tốt nhất là vào tháng 9-10 hàng năm.
– Thực hiện vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
– Vệ sinh môi trường: vệ sinh phòng bệnh các khu vực chung, đồ dùng, đồ chơi,… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định không gây ô nhiễm,… nhằm bảo đảm môi trường sống, học tập và lao động sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng.
– Hạn chế tiếp xúc: đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến những nơi đông người khi có dịch bệnh; tránh tiếp xúc gần với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh; nếu cảm thấy không khỏe và có các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm thì không nên tiếp xúc và tránh những nơi tập trung đông người để tránh lây lan cho người khác.
– Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch.
– Điều trị kịp thời khi mắc cúm và không tự sử dụng thuốc kháng vi rút, thuốc điều trị tại nhà khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng./.
Hoàng Nhị & Đinh Cao