CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DO VI RÚT DENGUE

+ Mùa mưa đến, cũng là lúc các dịch bệnh gia tăng nhất là bệnh sốt xuất huyết. Theo thông tin ghi nhận của Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (KST-CT), CDC Quảng Ninh tại một số khu vực trên địa bàn phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Khu 4A, 4B, 4C…) đã có tổng số 24 người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), số người mắc không có chiều hướng giảm trong những ngày gần đây. Bên cạnh việc phòng chống COVID 19 thì chúng ta cũng không quên phòng các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh truyền nhiễm SỐT XUẤT HUYẾT do muỗi gây ra.

+ Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do loại vi rút Dengue gây ra. Sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em nhưng hiện nay nhiều người lớn cũng dễ mắc bệnh và gây tử vong khá cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết ban đầu giống như bệnh cúm, sốt cao 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày, có xuất hiện các chấm nhỏ màu đỏ trên bề mặt da, buồn nôn, toát mồ hôi, phát ban ra cơ thể và đau mỏi toàn thân. Sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, suy đa tạng thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

+ Loại muỗi vằn có tên gọi là Aedes aegypti chính là vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết vì sau khi đốt hút máu của người đang nhiễm bệnh hoặc đang mang virus sốt xuất huyết truyền sang người khỏe mạnh qua đường muỗi đốt sẽ xuất hiện bệnh và có thể gây dịch. Vì vậy nên diệt trừ muỗi là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

 + Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng khoa KST-CT, CDC Quảng Ninh khuyến cáo: “Hiện nay bệnh SXHD chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng, chống bệnh SXHD mỗi gia đình hãy tự phòng bệnh bằng cách dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ trong và ngoài nhà hàng ngày để muỗi không có nơi trú ẩn, đậy kín nắp và lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước, thu gom các vật phế thải, chai lọ, túi nilon, lốp xe cũ, gáo vỏ dừa… chứa đựng nước để cho muỗi không có nơi đẻ trứng và sẽ không có muỗi truyền bệnh SXHD. Đặc biệt lưu ý các các hộ gia đình trồng các lọ cây sống đời, lọ hoa, bể tiểu cảnh trong nhà phải thay rửa nước xuyên từ 2-3 ngày/1 lần. Các gia đình trồng rau ở các ô đất trống tuyệt đối không để lưu cữu các xô, thùng chứa nước tưới cây, bỏ thói quen chứa nước trong xô, thùng, phuy… không có nắp để tưới cây. Mỗi gia đình cần chủ động dùng các chế phẩm sinh học diệt muỗi và bọ gậy, thả cá vào các bể cảnh để cá ăn bọ gậy…, có các biện pháp tránh muỗi đốt như mặc đồ dài tay, mắc màn khi ngủ, bôi kem chống muỗi… để tránh muỗi đốt. Người dân cần thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt và tích cực phối hợp cán bộ y tế trong công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, nâng cao ý thức cộng đồng là biện pháp phòng chống bệnh SXHD tốt nhất hiện nay.”

+ Khi có dấu hiệu như mệt mỏi toàn thân, sốt cao, có xuất hiện vết chấm đỏ dưới da, chảy máu cam,… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sớm và có hướng điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng. Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

 

(Lượt xem 107, hôm nay 1)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.