CHĂM SÓC BỆNH NHI BỊ CHÓ CẮN

Vào hồi 14h ngày 05/6/2019, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ vào viện trong tình trạng bị chó cắn gây nhiều vết thương chảy máu trên cơ thể.

Vết thương trên tay trái bệnh nhi khi bị chó cắn

Theo thông tin gia đình cung cấp, bệnh nhi đang chơi trong nhà thì bị chó hàng xóm lao vào nhà cắn vào tay trái, tay phải và nách phải gây tổn thương nhiều nơi trên cơ thể. Trước đó con chó này đã cắn chết một con chó con hàng xóm, sau đó đuổi cắn mẹ bệnh nhi và một người đàn ông khác nhưng không thành và bị khống chế.

Bệnh nhi vào viện khám trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, các vết thương hở chảy máu trên cơ thể tại cẳng tay trái, tay phải và nách phải tổng cộng 6 vết thương. Ngay lập tức đã được các Y, bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Y tế sơ cứu, rửa vết thương, cho thuốc kháng sinh điều trị tại nhà và tư vấn Tiêm dự phòng bệnh dại theo quy định.

Vết thương trên tay phải của bệnh nhi khi bị chó cắn

Trong tháng 5/2019 Trung tâm Y tế Ba Chẽ đã đưa tin trường hợp bệnh nhân 85 tuổi tại xã Đồn Đạc bị chó cắn được điều trị tại Khoa ngoại Trung tâm Y tế huyện. Có thể thấy đối tượng Người cao tuổi và trẻ em khi bị chó cắn vết thương sẽ nặng hơn do vậy cần đặc biệt lưu ý.

Trung tâm Y tế Ba Chẽ thông tin lại các khuyến cáo của chuyên gia y tế để người dân chủ động phòng tránh nguy hiểm khi bị chó, mèo cắn:

 Vệ sinh vết cắn: Khi người dân bị chó cắn, cần nhanh chóng tách rời phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn. Thao tác này sẽ giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương; Sau đó, nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Sử dụng các chất sát khuẩn như xà phòng, dung dịch sát trùng vết thương. Tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra vết cắn: Sau khi vệ sinh sạch sẽ vết cắn phải kiểm tra tình trạng vết cắn nặng nhẹ để kịp thời chuyển xuống viện tiếp tục xử trí.Trường hợp vết thương nhỏ không chảy máu, vệ sinh sạch và để vết thương được thông thoáng.

Trong trường hợp bị chó cắn gây vết thương rộng, vết thương gây chảy máu nhiều, sau khi rửa vết thương xong thì tiến hành băng cầm máu rồi đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Lưu ý: Tất cả các trường hợp bị chó, mèo cắn nên đến ngay cơ sở y tế để được các y, bác sỹ thăm khám và tư vấn về phòng chống bệnh dại cũng như tiêm phòng bệnh dại được kịp thời.

Các gia đình nuôi chó, mèo: Phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Trẻ em không đùa nghịch các con vật nuôi. Trẻ em còn nhỏ đi ngoài đường cần có người lớn đi kèm.

Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng chó thả rông ngoài đường gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư./.  

                                                                                                                                              Viết Bài: Hoàng Nhị Phòng dân số 

(Lượt xem 1.785, hôm nay 1)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.