Bộ Y tế đề xuất cắt giảm thủ hành chính thuộc lĩnh vực ATTP
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất cắt giảm 36 trên tổng số 263 điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quản lý.
Bà Trần Việt Nga cung cấp thông tin về đề xuất cắt giảm
thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Chiều 15/11, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí thông tin về đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo bà Trần Việt Nga, Bộ Y tế đang đề xuất cắt giảm 36 điều kiện sản xuất, kinh doanh (theo các quy định tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ quản lý. Số thủ tục này chiếm gần 14% trên tổng số điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quản lý.
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện.
Đặc biệt, đối với thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Bộ Y tế lần này đề xuất đối với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp), thì doanh nghiệp tự công bố và gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.
Với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn là thực phẩm sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu và sản xuất trong nước thì phải kiểm soát chặt, cần được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh.
Bộ Y tế cũng đề xuất kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng hoặc đối với sản phẩm đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…
“Như vậy, giảm 95% lô hàng cần kiểm tra hồ sơ trước khi nhập khẩu”, bà Nga thông tin. Với các sản phẩm thuộc diện kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ cũng được đề xuất giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày.
Đại diện lãnh đạo Cục ATTP cũng cho biết, so với Nghị định 38/2012, dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như: Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với sản phẩm nhập khẩu, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu…
“26/28 Điều trong Nghị định 38/2012 được đề xuất sửa đổi, dự kiến trong tháng 12 tới, Bộ sẽ Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 38/2012 mà không phải là Nghị định sửa đổi nữa. Cũng chính vì vậy mà thời gian trình Chính phủ Nghị định thay thế này có bị chậm so với yêu cầu”, bà Nga lý giải.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm đã “phản ứng” mạnh mẽ với thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.Song song với việc sửa đổi và dự thảo thay thế Nghị định 38/2012, Bộ Y tế cho biết, Bộ cũng đang rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt lĩnh vực ATTP theo hướng tăng mức xử phạt.